Quy định về quy trình giám sát thi công xây dựng công trình

Quy định về quy trình giám sát thi công xây dựng công trình. Chủ thể có thẩm quyền giám sát, yêu cầu đối với việc giám sát và các nội dung giám sát thi công công trình xây dựng mới nhất.

Để công trình xây dựng được thi công một cách có hiệu quả, đảm bảo tiến độ về mặt thời gian cũng như về chất lượng công trình, việc thi công phải được giám sát. Việc giám sát thi công xây dựng công trình được quy định cụ thể tại Điều 120, Điều 121, Điều 122 Luật Xây dựng 2014 và Điều 26 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Theo đó,vấn đề này cần lưu ý các nội dung sau:

 

1. Chủ thể có thẩm quyền giám sát thi công

+ Chủ đầu tư tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình;

+ Tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực được chủ đầu tư thuê giám sát thi công xây dựng công trình;

+ Đối với loại hợp đồng tổng thầu thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tổng thầu EPC) hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay, trong hợp đồng có quy định về quyền giám sát của tổng thầu:

– Tổng thầu thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình đối với phần việc do mình thực hiện và phần việc do nhà thầu phụ thực hiện;

– Nhà thầu tư vấn đủ điều kiện năng lực được tổng thầu thuê giám sát (với điều kiện tổng thầu có quyền thực hiện giám sát);

– Chủ đầu tư kiểm tra việc thực hiện giám sát thi công xây dựng của tổng thầu bằng cách cử đại diện tham gia kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình với điều kiện có sự thỏa thuận trước với tổng thầu trong kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu.

+ Đối với các công trình đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách:

– Tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình phải độc lập với các nhà thầu thi công xây dựng và các nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình;

– Tổ chức giám sát thi công xây dựng không được tham gia kiểm định chất lượng công trình xây dựng do mình giám sát;

–  Nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình không được tham gia kiểm định chất lượng sản phẩm có liên quan đến vật tư, thiết bị do mình cung cấp.

2. Yêu cầu đối với việc giám sát thi công

+ Thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng;

Xem thêm: Cách lập hồ sơ nghiệm thu

+ Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng;

+ Trung thực, khách quan, không vụ lợi.

3. Nội dung giám sát thi công xây dựng

+ Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện;

+ Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 107 của Luật Xây dựng;

 

+ Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình;

+ Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt;

+ Xem xét và chấp thuận các nội dung do nhà thầu trình và yêu cầu nhà thầu thi công chỉnh sửa các nội dung này trong quá trình thi công xây dựng công trình cho phù hợp với thực tế và quy định của hợp đồng. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu về việc giao nhà thầu giám sát thi công xây dựng lập và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đối với các nội dung nêu trên;

+ Kiểm tra và chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình;

+ Kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác triển khai công việc tại hiện trường theo yêu cầu về tiến độ thi công của công trình;

+ Giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; giám sát các biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình lân cận, công tác quan trắc công trình;

+ Giám sát việc đảm bảo an toàn lao động theo quy định của quy chuẩn, quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật về an toàn lao động;

+ Đề nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh thiết kế khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế;

+ Tạm dừng thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn; chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình và phối hợp xử lý, khắc phục sự cố theo quy định của Nghị định này;

+ Kiểm tra tài liệu phục vụ nghiệm thu; kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công;

+ Tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng;

+ Thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng để chuyển bước thi công, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định; kiểm tra và xác nhận khối lượng thi công xây dựng hoàn thành;

+ Tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng;

+ Thực hiện các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.

Bài viết liên quan cùng lĩnh vực tại Hosoxaydung.com

  1. Tài liệu giám sát công trình dân dụng và công nghiệp
  2. Mẫu báo cáo giám sát
  3. Hợp đồng tư vấn giám sát thi công xây dựng
  4. Báo giá giám sát công trình
  5. Quy trình giám sát thi công xây dựng
  6. Giám sát xây dựng công trình là gì ?
  7. Hỏi đáp giám sát công trình

Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng Hosoxaydung.com. Chúc các bạn thành công !

Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👉